Bấy giờ, Viên Thuật ở Nam Dương xin Viên Thiệu một ngàn con ngựa. Viên Thiệu không cho, Thuật lại hỏi vay Lưu Biểu hai chục vạn hộc lương, Lưu Biểu cũng không cho.
Viên Thuật cay cú, bèn gửi thư cho Tôn Kiên nhắc lại chuyện Lưu Biểu chẹn đường Kiên ngày trước. Kiên bèn đem quận đánh Lưu Biểu, trận đầu tiên đã bắt sống được Hoàng Tổ đang trấn giữ Phàn Thành.
Khoái Lương bàn với Lưu Biểu:
- Ðêm qua tôi xem thiên văn thấy một vì tướng tinh sắp sa xuống. Cứ theo quẻ bói thì vì sao ấy ứng vào Tôn Kiên.
Lưu Biểu nghĩ ra một kế bèn gọi Lữ Công vào dặn dò.
Hôm sau, Tôn Kiên đang ngồi trong trướng, bỗng quân thám mã lại đến báo:
- Trên núi phía Đông thành vừa khai trương quán “Giải lao giữa hai trận đánh cùng các mỹ nữ”.
Tôn Kiên đang buồn vì chưa nghĩ ra cách đánh hay, vội vã đi xem. Đến chân núi phía Đông thành, Tôn Kiên thấy ngã ba có 2 tấm bảng chỉ về 2 hướng. Một tấm ghi là: "Dành cho người nhiều tiền" tấm còn lại ghi: "Dành cho người ít tiền". Tôn Kiên tự nhủ:
- Ta đi vội không mang theo ngân lượng, đi vào đường dành cho người ít tiền vậy!
Tôn Kiên phi ngựa đi đến cuối đường lại gặp ngã ba có 2 tấm bảng chỉ về 2 hướng. Một tấm ghi: “Dành cho người trẻ" tấm còn lại ghi: "Dành cho người già".
Mặc dù năm đó Kiên 37 tuổi, nhưng đã có con lớn nên đọc xong biển thì lọ mọ quẹo vào đường dành cho người già cắm cúi đi (đoạn này bị Lữ Công đổ rất nhiều nước, đường trơn nên ngựa không đi được).
Ði đến cuối đường lại gặp ngã ba trên có 2 tấm bảng. Một tấm ghi là: "Dành cho người đẹp" tấm còn lại: "Dành cho người xấu", Tôn Kiên tự nhủ:
- Mình đánh nhau cả ngày đẹp cái gì nữa chứ?!!
Nghĩ rồi quẹo vào đường dành cho người xấu, vừa đi vừa tự động viên mình: "Sắp được thỏa trí tò mò rồi, cố lên".
Ði đến cuối đường lại nhìn thấy ngã ba trên lại có 2 tấm bảng rẽ ra 2 hướng. Một tấm ghi: "Dành cho người dẻo dai" tấm còn lại ghi: "Dành cho người xỉu xìu xìu". Tôn Kiên dừng ngựa lẩm bẩm:
- Mình đang mất hứng nghĩa là thuộc loại xỉu xìu xìu rồi.
Thế là rẽ vào con đường thứ 2. Nhưng khi đến cuối đường lại nhìn thấy chỉ có tấm bảng treo thật cao.
Tôn Kiên vừa kiễng chân vừa đánh vần hàng chữ, mồ hôi tuôn ròng ròng, tấm bảng ghi: "Ít tiền, già, xấu, lại còn xỉu xìu xìu thì làm gì được nữa, quay về Giang Đông thôi bố trẻ ơi"!
Tôn Kiên đọc xong ngã lăn ra đất, đau tim mà chết. Quân của Lữ Công phục sẵn ở đó đổ ra đánh bật toán đi cùng, rồi đem xác Tôn Kiên vào thành. Tôn Sách biết tin cha đã chết vì mắc mưu bèn khóc rống lên rất thảm thiết. Hoàng Cái nói:
- Ta nên cho một vào thành giảng hòa, và hẹn đem Hoàng Tổ đổi lấy thi thể Chúa công.
Tôn Sách sai Khải vào thành ra mắt Lưu Biểu. Biểu nói:
- Ngươi về bảo đem Hoàng Tổ đến đây, rồi hai nhà cùng bãi binh.
Hoàng Khải định ra về, nhưng đang định đeo giày (nhà Lưu Biểu vừa lau nên vào nhà phải để giày ở ngoài), bỗng có Khoái Lương chạy đến can Lưu Biểu:
- Không nên hòa! Tôn Kiên đã chết, các con còn bé, ta đánh một trận là lấy được Giang Ðông.
Biểu nói:
- Hoàng Tổ đang vay ta rất nhiều tiền, nếu bị chết thì ai trả nợ? Tôn Sách đổi Hoàng Tổ lấy xác cha, về Giang Ðông khéo nhún mình trọng người; hào kiệt bốn phương dần dần kéo đến theo.
Ðổng Trác được tin Tôn Kiên đã chết, mừng rỡ: “Ta đã có thể kê cao gối ngủ ngon rồi!”. Nhưng thực ra lâu nay, tối tối Đổng Trác vẫn kê cao gối ngủ ngon như thường.